Nhà đất tại Lâm Đồng bất ngờ tăng vọt giao dịch
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã công bố một báo cáo về hoạt động bán và cho thuê bất động sản thông qua việc công chứng và ký kết hợp đồng trong quý 2/2023, và báo cáo này đã thu hút sự chú ý đặc biệt.
Theo báo cáo, tổng số giao dịch bất động sản trong quý 2/2023 tại tỉnh Lâm Đồng, bao gồm đất nền, nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư, đạt con số 5.495 giao dịch. So với quý 1/2023, số lượng giao dịch bất động sản trong quý 2 đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trở lại với mức tăng là 1.954 giao dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng này chỉ đạt khoảng 27% so với cùng kỳ
Trong số các loại hình bất động sản, giao dịch đất nền chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng cộng 5.160 giao dịch, tăng thêm 1.914 giao dịch (tăng hơn 62%) so với quý 1/2023. Giao dịch nhà ở riêng lẻ đạt 327 giao dịch, tăng thêm 40 giao dịch (tăng 80%) so với quý trước, trong khi phân khúc căn hộ chung cư chỉ có 8 giao dịch.
> Xem thêm: Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch chung Tp.Bảo Lộc
Thống kê từ Sở Tư pháp cũng cho biết, số lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng trong quý 2/2023 tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.253 giao dịch, huyện Lâm Hà với 775 giao dịch, huyện Di Linh với 647 giao dịch, huyện Đức Trọng với 614 giao dịch, TP Bảo Lộc với 611 giao dịch, TP Đà Lạt với 460 giao dịch…
Đối với nhà riêng lẻ, giao dịch chỉ xảy ra ở một số TP, huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như: huyện Đức Trọng với 100 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 92 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 69 giao dịch, huyện Bảo Lâm với 54 giao dịch…
Các hoạt động bất động sản cho thuê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, với mức tăng đáng kể trong các giao dịch cho thuê mặt bằng thương mại, từ 130 giao dịch trong quý 1/2023 đã tăng lên 183 giao dịch. Ngoài ra, số lượng giao dịch cho thuê khách sạn, du lịch, nghĩ dưỡng cũng đã tăng lên 19 giao dịch, so với chỉ có 4 giao dịch trong quý trước.
Mặc dù có sự phục hồi trong các giao dịch bất động sản, nhưng so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giảm của các giao dịch hiện tại vẫn rất đáng kể, với mức giảm hơn 70% (từ 19.669 giao dịch xuống còn 5.495 giao dịch).
Cụ thể, trong quý 1/2022, tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận tổng cộng 12.467 giao dịch đất nền. Số lượng giao dịch này đã tăng mạnh lên 19.669 giao dịch trong quý 2/2022. Tuy nhiên, trong quý 3 và quý 4/2022, thị trường bất động sản đã đối mặt với nhiều khó khăn, như hạn chế nguồn vốn tín dụng và kiểm tra thanh tra nghiêm ngặt, dẫn đến sự giảm mạnh trong số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng, chỉ còn 8.804 giao dịch và 6.633 giao dịch tương ứng.
Động lực nào đẩy giao dịch bất động sản Lâm Đồng tăng trở lại?
Giao dịch phục hồi
Theo thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ quý 3 và quý 4/2022, số số lượng giao dịch nhà đất tại Lâm Đồng giảm mạnh, lần lượt đạt 8.804 giao dịch và 6.633 giao dịch. Nguyên nhân do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn về dòng vốn tín dụng eo hẹp, cộng với việc lãi suất cho vay ở mức cao.
Trong quý 1/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng chỉ ghi nhận 3.246 giao dịch đất nền, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.127 giao dịch, huyện Đức Trọng với 506 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 476 giao dịch, huyện Lâm Hà với 442 giao dịch.
Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 287 giao dịch. Trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Đức Trọng với 95 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 67 giao dịch, huyện Bảo Lâm với 61 giao dịch.
Nhưng bước sang quý 2/2023, số lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đã bật tăng trở lại, với 5.160 giao dịch đất nền và 327 giao dịch nhà ở riêng lẻ.
Thống kê từ Sở Tư pháp cũng cho biết, số lượng giao dịch đất nền trong quý 2/2023 tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.253 giao dịch, huyện Lâm Hà với 775 giao dịch, huyện Di Linh với 647 giao dịch, huyện Đức Trọng với 614 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 611 giao dịch,…
Riêng về nhà ở riêng lẻ, tập trung chủ yếu tại huyện Đức Trọng với 100 giao dịch, thành phố Đà Lạt với 92 giao dịch, thành phố Bảo Lộc với 69 giao dịch, huyện Bảo Lâm với 54 giao dịch,…
Đồng loạt triển khai nhiều quy hoạch mới
Ngày 27/6, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đồ án quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định và thông qua.
Hiện nay, UBND tỉnh đang hoàn thiện đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 3/2023.
Mới đây, Lâm Đồng đã lên kế hoạch triển khai lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. Theo kế hoạch, trong năm 2023, Lâm Đồng sẽ hoàn thành việc lập, trình thẩm định và phê duyệt 6 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện gồm: Bảo Lâm; Di Linh; Đức Trọng; Đam Rông; Đơn Dương; Lạc Dương.
Cũng trong năm 2023 Lâm Đồng sẽ hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt 11 đồ án quy hoạch chung đô thị.
Riêng về quy hoạch phân khu tại thành phố Đà Lạt, trong năm 2023, Lâm Đồng sẽ hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và đang triển khai lập đồ án quy hoạch.
Trong giai đoạn 2024 – 2025, tỉnh sẽ triển khai điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, lập mới các đồ án quy hoạch phân khu sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận được phê duyệt.
Thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040.
Quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận có diện tích 59.849,2ha. Trong đó bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (xã Lộc An, Tân Lạc, Lộc Thành, Lộc Nam và Lộc Tân).
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm phát triển thành phố Bảo Lộc trở thành đô thị loại 2 vào năm 2025; xây dựng thành phố tiệm cận tiêu chuẩn loại 1 vào năm 2040, theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ.
Bên cạnh đó, hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đang thẩm định nhiều đồ án quy hoạch quan trọng khác như quy hoạch vùng huyện Di Linh, Đam Rông.
Ngày 27/6 vừa qua, UBND huyện Lạc Dương đã có tờ trình đề nghị thông qua đồ án Quy hoạch vùng huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch vùng huyện Lạc Dương có diện tích tự nhiên là 1.314 Km2 và dân số trung bình năm 2020 là 28.652 người.
Quy hoạch vùng huyện Lạc Dương có tính chất là vùng kinh tế quan trọng, chia sẻ các chức năng đối với thành phố Đà Lạt và là khu vực giáp ranh trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng; vùng bảo tồn rừng đặc dụng, nguồn nước và đa dạng sinh học của vùng Tây Nguyên.
Đây còn là vùng đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt, làng đô thị xanh; là vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa khu vực và quốc tế; Vùng khí hậu cảnh quan; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; là vùng đa dạng về sản phẩm du lịch.
Nguồn: Cafeland.vn