Bàn giao nhà không giống căn hộ mẫu phải làm gì?
Căn hộ được bàn giao không giống căn hộ mẫu và bản vẽ trong hợp đồng. Trong trường hợp này, người mua nhà nên làm gì và có thể khởi kiện không?
Đầu năm 2016, anh Nguyễn Văn Thành (Hà Nội) ký hợp đồng mua một căn hộ chung cư trả góp giá 1,3 tỷ đồng. Theo nội dung trong hợp đồng, đầu năm 2018, anh sẽ được nhận bàn giao nhà. Tuy nhiên, vì trong hợp đồng ghi rõ chủ đầu tư có quyền bàn giao muộn tối đa 6 tháng nên đến tháng 4 anh mới được nhận nhà.
Được người thân và bạn bè có kinh nghiệm mua nhà mách nước, khi nhận nhà, anh Thành đề nghị chủ đầu tư cung cấp bản vẽ hoàn công để đo đạc lại diện tích căn hộ. Hơn nữa, anh thấy căn hộ được thiết kế có nhiều điểm không giống căn hộ mẫu và bản vẽ trong hợp đồng. Thắc mắc về vấn đề này, anh Thành được phía bàn giao nhà xin lỗi và giải thích là toàn bộ những thay đổi trong thiết kế đều đúng với thiết kế đã trình lên Sở Xây dựng, vì đã chỉnh sửa một chút nên bản vẽ đó không giống bản vẽ trong hợp đồng.
Vì không ưng ý như căn hộ mẫu, ổ cắm điện lại bất hợp lý nên anh Thành không chấp nhận ký nhận nhà và yêu cầu chất vấn chủ đầu tư. Tuy nhiên sau vài lần gặp mặt, anh vẫn không thu được kết quả gì. Do ảnh hưởng của việc thay đổi thiết kế không quá nghiêm trọng và cũng không muốn mất thêm nhiều thời gian nên anh Thành vẫn chấp nhận nhận căn hộ này.
Trường hợp của anh Thành là một trong rất nhiều vấn đề mà người mua bất động sản dự án có thể gặp phải. Thời gian qua, rất nhiều vụ tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư cũng đã xảy ra, liên quan đến việc chậm bàn giao nhà, phí dịch vụ quá cao, vi phạm diện tích chung – riêng, giao căn hộ không đúng cam kết…
Điều đáng nói là những rủi ro này xảy ra khi người mua nhà đã ký hợp đồng thực hiện giao dịch mua bán và thanh toán một phần giá trị căn nhà.
Bàn về những rủi ro và vấn đề pháp lý khi mua bán bất động sản dự án, trong chương trình “Có hẹn với chuyên gia bất động sản” , luật sư Phạm Thanh Sơn đã đưa ra những lời khuyên cụ thể dành cho người mua nhà.
Theo luật sư Sơn, việc mua bán, đầu tư bất động sản dự án có thể đối diện với rất nhiều rủi ro. Trong trường hợp người mua đã đóng tiền nhưng đến khi nhận bàn giao nhà, họ mới biết chất lượng căn hộ không đúng như những gì mà chủ đầu tư cam kết trong hợp đồng thì người mua cần ghi lại biên bản với bộ phận bàn giao, sau đó ra văn bản không nhận nhà.
Một hướng giải quyết khác là người mua vẫn nhận nhà nhưng sau đó niêm phong lại để mời cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến xác nhận, đánh giá mức độ thiệt hại để làm thủ tục khởi kiện. Do đó, để tránh mất thời gian và tiền bạc theo đuổi vụ kiện nhằm đòi lại công bằng hay chấp nhận “ôm cục tức” như trường hợp của anh Thành, người mua nhà nên xem xét, cân nhắc kỹ về dự án và chủ đầu tư trước khi xuống tiền.
Liên quan đến hợp đồng mua bán, trong trường hợp người mua mới chỉ đặt cọc, sau đó nhận thấy trong hợp đồng có những điều khoản bất lợi và chủ đầu tư không đồng ý điều chỉnh thì nếu mua để đầu tư, nhà đầu tư có thể tự cân đối và đưa ra quyết định.
Nhưng nếu mua nhà để ở thực và việc đàm phán với chủ đầu tư không thành công thì người mua có quyền hủy hợp đồng đặt cọc và nhận lại toàn bộ tiền đặt cọc do các bên không giao kết được hợp đồng. Trong trường hợp này, việc hủy cọc không phải do khách hàng không mua mà do không đàm phán được hợp đồng.
(Theo Phùng Dung – Thanhnienviet.vn)