Dự án ma là gì, có những loại dự án ma nào? Người mua cần làm gì để tránh mua phải dự án ma và nếu mua rồi có đòi lại được tiền không?… Tất cả những câu hỏi này đã được luật sư Phạm Thanh Sơn giải đáp trong chương trình “Có hẹn với chuyên gia bất động sản” số đầu tiên do chúng tôi thực hiện.
Dự án ma là cách gọi dân dã chỉ những dự án không được cấp phép hoặc chưa đủ điều kiện bán. Sự lộng hành của các dự án ma trong thời gian qua đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho những người nhẹ dạ cả tin, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều địa phương từ Bắc chí Nam như Thái Nguyên, Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Vũng Tàu…
Theo luật sư Phạm Thanh Sơn, dự án ma được chia thành hai loại.
Thứ nhất là những dự án có tồn tại, được cấp phép nhưng không đủ điều kiện để mở bán và chủ đầu tư không đủ điều kiện để thi công xây dựng. Những dự án này có thể hoàn thành bước phê duyệt chủ trương, thiết kế cơ sở, quy hoạch tổng mặt bằng nhưng đến bước xác định tiền sử dụng đất để nộp cho cơ quan nhà nước thì họ dừng lại, công bố dự án và huy động vốn từ khách hàng. Những trường hợp này vi phạm quy định về việc huy động vốn nhưng không vi phạm pháp luật hình sự và không có hành vi lừa đảo.
Thứ hai là những dự án có đầy đủ các giấy tờ, bản vẽ nhưng không có thật và không được bất kỳ cơ quan nhà nước nào phê duyệt. Đây là những dự án có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ở Việt Nam, tính đến nay đã có 5 trường hợp này bị xử lý.
Người mua nên làm gì?
Câu chuyện về dự án ma không còn là chuyện mới mà đã xuất hiện từ khoảng 2-3 năm trước. Dù đã nhiều lần được các cơ quan chức năng cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều người mua mắc bẫy. Để tránh mua phải dự án ma, luật sư Phạm Thanh Sơn khuyên người mua trước khi xuống tiền nên cần tìm hiểu kỹ về dự án, đặc biệt là 4 loại giấy tờ quan trọng, gồm:
- Quyết định phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Phê duyệt thiết kế cơ sở, quy hoạch tổng mặt bằng, đi kèm đơn giá đất, hóa đơn nộp tiền sử dụng đất
- Chứng nhận đăng ký hợp đồng mẫu đối với dự án chung cư
- Nếu thông qua sàn, phải có hợp đồng của chủ đầu tư với sàn giao dịch
Trong trường hợp đã mua phải dự án ma và người mua tiến hành khởi kiện thì hồ sơ vụ án sẽ được chuyển sang vụ án hình sự. Khi đó, đối với những dự án đã được cấp phép nhưng chưa đủ điều kiện mở bán, người mua rất dễ đòi lại tiền. Tuy nhiên, với những dự án không được phê duyệt, được lập ra nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, việc lấy lại được tiền là rất khó. Trong trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và xét xử truy thu được khoản tiền từ người có hành vi phạm tội trục lợi thì người mua có thể được giải quyết.
Theo Phùng Dung | Thanhnienviet.vn