Mở rộng đèo Prenn sẽ phá thế ”ốc đảo” cho đô thị Đà Lạt

Đà Lạt lâu nay giống như một “ốc đảo” trên núi, bởi thành phố này cả tứ phía muốn ra hay vào đều phải vượt qua những con đèo khúc khuỷu, quanh co. Dự án mở rộng đèo Prenn mới đây được tỉnh Lâm Đồng công bố tuy vấp phải một số ý kiến phản đối vì lo rằng sẽ làm mất đi vẻ đẹp thơ mộng của cung đường này, nhưng lại được các chuyên gia quy hoạch đánh giá là dự án không chỉ giúp phá vỡ thế “ốc đảo”, mở rộng giao thông đối ngoại mà còn tạo ra được tính liên kết giữa Đà Lạt với các đô thị vệ tinh theo Quy hoạch 704, mở rộng thành phố Đà Lạt mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

mở rộng đèo Prenn
Dự án mở rộng đèo Prenn

ĐỒNG BỘ VỚI QUY HOẠCH MỞ RỘNG ĐÀ LẠT

Theo Quy hoạch 704, Đà Lạt mở rộng sẽ phát triển theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm, kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp, bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa – lịch sử. Cấu trúc không gian là cấu trúc khung lưu thông bao gồm tuyến vành đai vùng đô thị, các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Đà Lạt mở rộng trong tương lai sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh, lấy đô thị Đà Lạt hiện hữu là trung tâm. Các đô thị vệ tinh đảm nhiệm các chức năng khác nhau và cùng kết nối. Đà Lạt sẽ là đô thị đảm nhiệm chức năng của một trung tâm hành chính, nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc. Huyện Đức Trọng sẽ hình thành các khu đô thị Liên Nghĩa – Liên Khương, FiNôm – Thạnh Mỹ và Đại Ninh được định hướng trở thành trung tâm thương mại, giải trí và phát triển kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao.

Huyện Lâm Hà với đô thị Nam Ban sẽ là trung tâm du lịch hỗn hợp, chế biến nông sản, công viên chuyên đề nông nghiệp công nghệ cao. Không gian thành phố Đà Lạt hiện nay sẽ phát triển theo mô hình tuyến vành đai và các trục hướng tâm theo hình nan quạt, kết nối với các trục cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng, cảnh quan địa hình và hệ thống công viên cây xanh; với mục tiêu bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch – văn hóa – khoa học, xanh và hiện đại.

Với quy hoạch mở rộng như vậy, nên giao thông là bài toán đầu tiên tỉnh tính toán tới để phát triển xứng tầm, nâng cao chất lượng đô thị, lẫn chất lượng cuộc sống và đó cũng là con đường để đưa Đà Lạt trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đèo Prenn là con đường trọng tâm bắt buộc sẽ phải đi qua nếu muốn đến với Đà Lạt. Đèo Prenn hiện đi xuyên qua khu rừng thông 3 lá, loài thông đặc trưng của Đà Lạt. Đèo do nhà thầu Gross xây dựng từ năm 1943. Cả cung đèo có 79 đoạn cong, trong đó 18 đoạn cong có bán kính 40m, các đoạn cong khác có bán kính 50-1.000m, độ nghiêng tối đa 3-7%. (Khung)

ĐÈO PRENN SẼ LÀ TRỤC CHÍNH ĐÔ THỊ

Theo Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, Dự án cải tạo, mở rộng đèo Prenn có tổng chiều dài 7,4 km, điểm đầu nối liền cao tốc Liên Khương – Prenn, điểm cuối giáp nút giao thông đường đèo Prenn với đường 3 tháng 4 (Phường 3, TP Đà Lạt), với tổng kinh phí thực hiện 514 tỷ đồng. Dự án có quy mô 4 làn xe ô tô theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi, tốc độ thiết kế 60 km/h, nền đường rộng 15 m và mặt đường 14 m. Trên tuyến có bố trí 1 cầu cạn dài 120 m để cải tạo đường cong, kết hợp với bố trí vọng ngắm cảnh, có 2 đường lánh nạn, 4 vịnh đậu xe để hạn chế các phương tiện giao thông dừng đỗ trong phần đường xe chạy.

Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng đèo Prenn theo định hướng không chỉ nhằm một mục tiêu là giải quyết vấn đề kẹt xe hay an toàn giao thông ở cung đường cửa ngõ quan trọng bậc nhất của thành phố, mà còn để phá vỡ thế ốc đảo của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai, tăng cường giao thông đối ngoại đồng bộ với quy mô của tuyến cao tốc lên đến trung tâm thành phố.

> Xem thêm: Quy hoạch Khu Du Lịch Prenn 1000ha – Crystal Bay tài trợ

Tuyến đường Prenn tương lai còn đóng vai trò là trục chính đô thị, mang chức năng khác hoàn toàn với trục Quốc lộ 20 (đèo Mimosa) thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư tuyến Prenn – Xuân Thọ để hình thành những tuyến đường kết nối về Đà Lạt và thông với tuyến cao tốc, sân bay Liên Khương.

HẠN CHẾ TÁC ĐỘNG ĐẾN CẢNH QUAN, MÔI TRƯỜNG

Trao đổi với chúng tôi về tác động của dự án đến cảnh quan môi trường của khu vực đèo Prenn, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết, các giải pháp công trình trên tuyến đã được các chuyên gia tính toán kỹ để hạn chế thấp nhất tác động đến cảnh quan, môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S trong những lần đi thực tế, khảo sát để phục vụ cho kế hoạch triển khai dự án này cũng đã nhắc nhở các đơn vị, sở, ngành liên quan “hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến cảnh quan môi trường rừng và phải có kế hoạch, phương án di dời cây rừng, cây phân tán”. Cũng liên quan đến vấn đề cảnh quan thiên nhiên và môi trường, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị báo cáo chi tiết về những tác động của dự án.

Quá trình khảo sát địa hình cũng được chỉ đạo phải đánh giá, phân tích khoa học tất cả những tác động có thể ảnh hưởng đến kết cấu địa chất ở cả 2 phía taluy âm, taluy dương khi mở rộng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo thống kê cụ thể số lượng cây thông, cây mai anh đào trưởng thành có thể sẽ phải di dời và phương án trồng thay thế sau khi tuyến đường hoàn thành. Quá trình chuẩn bị hồ sơ để xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất giao thông chính vì lẽ đó cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tính toán, cân đo rất kỹ để bảo vệ cảnh quan môi trường cho khu vực này.

Thẳng thắn nhìn nhận thì hiện nay, Đà Lạt vẫn chưa có tuyến đường giao thông nào xứng tầm để thúc đẩy phát triển kinh tế và liên kết liên đô thị. Nối dài dự án cao tốc Liên Khương lên đến Đà Lạt, khi nâng cấp mở rộng tuyến đèo Prenn, sẽ đạt được cả 2 giải pháp trên. Song song đó, đèo Mimosa cũng đang được Bộ Giao thông vận tải đầu tư, nâng cấp nền đường sẽ giúp Đà Lạt có thêm các giải pháp phân luồng giao thông hợp lý cho đô thị Đà Lạt tương lai.

Việc chủ động ngân sách địa phương để giải quyết bài toán hạ tầng giao thông đối ngoại và hình thành trục chính đô thị, cụ thể là Dự án đèo Prenn cho thấy quyết tâm rất lớn của tỉnh nhằm nỗ lực đưa Đà Lạt trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

Căn cứ vào tốc độ phát triển, đánh giá tiềm năng của Đà Lạt so với các thành phố trong khu vực, đặc biệt là sự liên kết của Đà Lạt, Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin rằng, Đà Lạt xứng đáng và hội đủ các yếu tố để được quan tâm đầu tư phát triển xứng tầm, sớm trở thành thành phố Trung ương và mang tầm quốc tế.

  •  Ông Nguyễn Quang Trung – Kỹ sư xây dựng

Về ý tưởng quy hoạch tổng thể kết cấu hạ tầng để phát triển đô thị, theo tôi thấy khá tốt. Nhưng mong muốn lớn nhất của đa số người dân là tỉnh cân nhắc và tính toán kỹ các giải pháp thi công sao cho tối ưu nhất để tránh tác động đến cảnh quan thiên nhiên. Hiện nay, khoa học kỹ thuật về xây dựng, cầu đường đã khá phát triển, vì vậy mà có nhiều giải pháp thi công có thể tham khảo để lựa chọn áp dụng.

Rừng Prenn là cánh rừng thông nguyên sinh đẹp, lại nằm ngay cửa ngõ ra vào thành phố. Chúng tôi hy vọng rằng, chính quyền và ngành Giao thông vận tải sẽ quan tâm, tính toán đến các giải pháp kỹ thuật tiên tiến phù hợp, để làm sao thi công mở rộng đèo Prenn này sẽ hạn chế việc san bạt núi, hạn chế giải pháp xây kè mái bằng bê tông, vì theo quan sát của tôi thì ở một số vị trí hai bên đèo hiện có độ dốc khá đứng.

Tỉnh có thể tham khảo các giải pháp làm trụ bê tông chống ở những đoạn này thay vì bạt đất, bạt mái để hạn chế tác động cảnh quan thiên nhiên, và hạn chế cả việc phải hình thành các mái taluy bằng bê tông lộ thiên, gây chướng mắt giống tình trạng hiện nay của cung đèo Khánh Lê.

  • Ông Phạm Anh Dũng – Nhiếp ảnh gia, người dân Đà Lạt

Nếu là nâng cấp hạ tầng giao thông để phục vụ cho sự phát triển chung của thành phố Đà Lạt mở rộng, cá nhân tôi ủng hộ dự án này. Tôi cũng nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta nên mở rộng tuyến đèo này. Việc mở rộng tuyến đèo này không chỉ giải quyết được tình trạng tắc nghẽn giao thông, tăng độ an toàn về giao thông mà còn có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển cho Đà Lạt tương lai.

Người dân chúng tôi chỉ mong rằng, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo và giám sát chặt chẽ để tránh gây ảnh hưởng, tàn phá cảnh quan môi trường. Có thể nghiên cứu thêm những kỹ thuật xây dựng cầu đường tiên tiến để ứng dụng, hạn chế việc san lấp, đào bới cây rừng, gây tác động đến cảnh quan thiên nhiên đặc trưng ở khu vực này.

Quá trình thi công dự án mặt đường nên tiến hành song song với việc tôn tạo, phục hồi diện tích cây rừng bị tác động, cũng nên rút kinh nghiệm của những dự án mở rộng đèo khác trước như cung đèo Bảo Lộc chẳng hạn, để tuyến đường mới vừa đảm bảo mỹ quan, giữ được môi trường cảnh quan xung quanh lẫn đảm bảo về an toàn giao thông.

  • Ông Ngô Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Du lịch Dalat Discovery

Có lẽ không có một tỉnh, thành nào ở Việt Nam mà lại được cư dân khắp nơi quan tâm và yêu thương nhiều như thành phố Đà Lạt. Việc đốn hạ một hai cây thông cũng ngay lập tức trở thành đề tài được người dân quan tâm và bàn thảo sôi nổi từ quán cà phê, trong công sở đến trên các diễn đàn xã hội. Cũng bởi lẽ, rừng và thông ở Đà Lạt có vị trí vô cùng quan trọng, tạo ra cảnh quan môi trường thiên nhiên đặc trưng của thành phố lâu nay.

Ở Đà Lạt, thông trồng trong rừng hay thông trồng ở khuôn viên của mỗi gia đình đều là tài sản của Nhà nước và có quy định riêng về quản lý và bảo vệ. Nói thế để thấy rằng, việc bảo vệ rừng, bảo vệ thông là trách nhiệm của tất cả mọi người, còn rừng, còn thông thì Đà Lạt mới còn trong lòng du khách bốn phương. Tuy nhiên, song song với đó, việc đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông cũng cần phải được quan tâm để phục vụ cho sự phát triển bền vững, lâu dài của thành phố.

Cá nhân tôi cho rằng, việc mở rộng đèo Prenn này sẽ không chỉ giúp giải quyết được vấn đề về kết nối giao thông cho thành phố Đà Lạt hiện đang có dấu hiệu quá tải, mà tính toán kỹ còn có khả năng biến cung đèo đi xuyên rừng thông đặc trưng này trở thành cung đường của du lịch cảnh quan vô cùng hấp dẫn, bởi trên cung đường này hiện còn có một số điểm du lịch nổi tiếng như Datanla, Prenn…

Nguyễn Nghĩa (ghi)

Theo: Báo Lâm Đồng

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *