Cao tốc Khánh Hòa Buôn Ma Thuột – Khởi công trước 6/2023 gần 22.000 tỷ đồng

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là dự án giao thông quan trọng, có tính chất kết nối liên vùng và liên tỉnh; kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội liên vùng, đưa Khánh Hòa trở thành một cực tăng trưởng cũng như khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên. Cùng Groupmoigioi.com tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

Đây là các hạng mục thuộc Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 do PMU6 làm chủ đầu tư.

Ban quản lý dự án 6 (PMU6) vừa trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Dự án có điểm đầu tại Km32 + 000 thuộc địa phận xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại Km69+500 thuộc địa phận xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Tổng chiều dài Dự án khoảng 36,987 km, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Khánh Hòa là 1,3Km; qua địa phận tỉnh Đắk Lắk là 35,687 km.

Từ điểm kết nối với dự án thành phần 1 (Km32+000), tim tuyến dịch ngang về phía Bắc khoảng 30m, tuyến đi cong nhẹ xuyên qua  núi Chư Bli bằng hầm Phượng Hoàng, cửa Tây hầm Phượng Hoàng lệch về phía Bắc so với tuyến Tiền khả thi khoảng 300m, sau khi ra khỏi hầm tuyến bám sườn núi, rẽ phải vượt sông Chò và đi bám sườn núi về phía Nam sông Chò.

a2 2
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân tham dự phiên họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì với các địa phương liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải ngày 17/9/2022.

Từ Km38+500, tuyến bám sườn núi đi về phía Tây Nam, sau đó đi theo sườn phía Nam của dẫy núi Chư Noun Ngai, đi về phía Bắc của các buôn thôn 4, thôn 9, đến khoảng Km42+500, tuyến rẽ trái đi sang sườn Nam của khe, sau đó xuyên núi bằng hầm Ea Trang 1 (Km43+700).

Sau khi ra khỏi cửa Tây hầm EaTrang, tuyến đi ôm sườn núi bằng cầu cạn, tuyến đi sâu về phía đỉnh núi, vượt mom núi bằng công trình hầm Ea Trang 2 (Km45+800), đến khoảng Km46+300, tuyến rẽ phải, vượt suối và đi qua yên ngựa tại Km47+400, rẽ trái nhẹ để tránh đồi đến Km48+500, tuyến đi bám theo địa hình, vượt sông Krông Pắc tại Km50+400, tuyến rẽ phải nhẹ, đi bám theo sườn núi, đi về phía Nam của Buôn Cư Dhắt, sau đó tuyến đi song song về phía Đông Nam đường Trường Sơn Đông khoảng 50-100m.

Từ Km54 tuyến bắt đầu rẽ phải vượt đường Trường Sơn Đông tại Km54+700, sau đó đi ôm theo sườn núi, cắt qua sông Eo Lách về Km58+500, sau đó tuyến rẽ phải nhẹ đi về phía Bắc, vượt qua sông Ea Tông, đến Km61 tuyến rẽ phải mạnh về phía Bắc đến Km63+700, tuyến đi xuyên núi bằng hầm Chư Te, ra khỏi cửa Tây hầm, tuyến đi bám theo sườn núi, đến Km66+600 tuyến vượt sông Ea Dâng, sau đó tuyến đi về phía Bắc hồ Ea rớt, đi bám sườn và kết nối với dự án thành phần 3 tại Km69+500.

Theo đề xuất của PMU6, tuyến chính cao tốc có bình diện và trắc dọc đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 80-100km/h.

a3 3

Mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế chiều rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Giá trị tổng mức đầu tư Dự án là 11.090 tỷ đồng, gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 246,451 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 9.251,19 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 126 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng là 436 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 1.030 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư trên không bao gồm chi phí thiết bị của hạng mục ITS và trạm thu phí (khoảng 118 tỷ đồng theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi).

Dự án được đầu tư bằng Ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (gồm vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương) và ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030. Trong đó, Ngân sách Trung ương là 10.967,2 tỷ đồng. Ngân sách địa phương tham gia 50% chi phí GPMB 123,325 tỷ đồng.

Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.

Quyết tâm sớm bàn giao mặt bằng

Trên thực tế, hiện hệ thống giao thông kết nối Khánh Hòa với khu vực Tây Nguyên còn nhiều hạn chế; Quốc lộ 29 (Phú Yên – Đắk Lắk) là đường cấp 4 miền núi, còn Quốc lộ 26 (Khánh Hòa – Đắk Lắk) chỉ có 2 làn xe tùy đoạn, thời gian di chuyển phải mất 4 – 5 tiếng đồng hồ trên quãng đường chưa đầy 200 km. Trong khi Khánh Hòa sở hữu cảng biển, có thể xuất khẩu đi khắp thế giới, thì nguồn nông sản chất lượng từ khu vực Tây Nguyên lại chưa thể tiếp cận do giao thông hạn chế.

“Tuyến cao tốc Khánh Hòa – Đắk Lắk sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo ra nhiều không gian phát triển kinh tế trên hành lang kinh tế Đông – Tây”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, muốn thi công nhanh thì mặt bằng phải trống, phải liền đoạn; yêu cầu trách nhiệm địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng là rất quan trọng. Vì vậy, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về công tác triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh, trong đó thành viên Ban là các lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, lãnh đạo các Ban: Tuyên giáo, Dân vận Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…

> Xem thêm: Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương 2023

cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk
Cao tốc Khánh Hòa – Đắk Lắk

“Các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công chủ động thực hiện nhiệm vụ, theo dõi đôn đốc các cấp chính quyền tại địa phương thực hiện theo đúng Kế hoạch đã đề ra; chủ động kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước”, ông Tuân cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ thêm, để đẩy nhanh tiến độ của dự án thì phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các nhà thầu thực hiện thi công dự án. Do đó phải lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực thiết bị, nhiều kinh nghiệm, đã tham gia các dự án giao thông trọng điểm, quy mô lớn…

Các nguồn vật liệu phục vụ dự án phải được rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng, khối lượng, tiến độ cung cấp để phục vụ dự án triển khai; bên cạnh đó, cần có và áp dụng hiệu quả các cơ chế đặc thù về khai thác đất đắp cho các dự án đường bộ cao tốc theo các chủ trương của Chính phủ để đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác của các mỏ khoáng sản để cung cấp đủ, kịp thời vật liệu xây dựng theo tiến độ triển khai dự án.

“Tỉnh quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà thầu thi công, sớm đưa dự án cao tốc vào sử dụng, từ đó tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định.

Nguồn tổng hợp: Baodautu.vn, Baodantoc.vn

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *