Cao tốc Tân Phú Bảo Lộc

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng vừa có ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác đầu tư, trong đó đề xuất cần có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai dự án vì có rừng tự nhiên.

Cao tốc Tân Phú Bảo Lộc
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc: Phương án nào là phù hợp nhất?

Đề xuất xin phép Thủ tướng vì có rừng tự nhiên

Theo phương án 1 dự án đầu tư, đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc sẽ đi qua các xã Ma Đa Guoil, Đạ Tồn, Phước Lộc, thị trấn Đam B’ri huyện Đạ Hoai; xã Đạ Pal huyện Đạ Tẻh; xã Lộc Tân huyện Bảo Lâm và xã Đam Bri thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, trường hợp chiều rộng của nền đường là 17 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 93,5 ha, trong đó rừng tự nhiên là 22.754 m (tương đương ảnh hưởng khoảng 38,68 ha).

Trường hợp chiều rộng của nền đường là 13,5 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 74,25 ha, trong đó rừng tự nhiên là 22.754 m (tương đương ảnh hưởng khoảng 30,71 ha).

Theo phương án 2 của dự án đầu tư, đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc sẽ đi qua thị trấn Ma Đa Guoil, xã Hà Lâm, Đam Ploa, thị trấn Đam B’ri huyện Đạ Hoai; xã Lộc Thành huyện Bảo Lâm và xã Đại Lào thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với tổng chiều dài toàn tuyến là 45 km.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trường hợp chiều rộng của nền đường là 17 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 76,5 ha, trong đó rừng phòng hộ chiều dài 11.573 m (tương đương ảnh hưởng khoảng 19,67 ha).

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc

Trường hợp chiều rộng của nền đường là 13,5 m thì tổng diện tích sẽ bị tác động là khoảng 60,75 ha, trong đó rừng phòng hộ chiều dài 11.573 m (tương đương ảnh hưởng khoảng 15,62 ha).

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đề xuất do dự án có ảnh hưởng một phần đến rừng tự nhiên là rừng phòng hộ và rừng sản xuất nên theo quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 thì dự án cần có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai, thực hiện.

Động lực cho vùng tam giác, nhưng cần phù hợp quy hoạch

Theo đánh giá của UBND TP Bảo Lộc, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (trong đó có đoạn đường cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng)) là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng kinh tế: Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, có vai trò lớn giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam Bộ.

Việc đầu tư đoạn Tân Phú – Bảo Lộc là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng của tỉnh mà hứa hẹn tạo nên sự đột phá lớn về phát triển kinh tế cho tỉnh. Đây là dự án đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và tạo đà chuyển dịch kinh tế – xã hội rất lớn cho nhân dân Lâm Đồng. Dự án cũng được UBND TP Bảo Lộc kỳ vọng là đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho các tỉnh khi việc giao dịch thương mại trở nên thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp…

Qua xem xét, 2 phương án đề xuất của nhà đầu tư, UBND TP. Bảo Lộc thống nhất cao với đánh giá của nhà đầu tư về các thuận lợi và khó khăn của từng phương án. Tuy nhiên, sau khi xin ý kiến của Thường trực Thành ủy Bảo Lộc, UBND thành phố đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn phương án 1 để làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo. Lý do là phương án 1 phù hợp với định hướng quy hoạch chung của thành phố đang trình HĐND tỉnh phê duyệt.

Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt có tổng chiều dài 208 km, quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuyến đường khi hoạt động sẽ gỡ được nút thắt điểm đen kẹt xe và tai nạn qua đèo Bảo Lộc, giảm tải cho Quốc lộ 20. Khi dự án toàn tuyến hoàn thành sẽ kết nối hoàn chỉnh với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, rút ngắn thời gian đi lại từ Tây Nguyên về Đông Nam Bộ.

Nguồn: Laodong.vn

 

5/5 - (1 bình chọn)