Bảo Lộc hướng đến phát triển Du lịch chất lượng cao

Hiện tại, thành phố Bảo Lộc có 4 dự án liên quan đến du lịch, dịch vụ đang kêu gọi đầu tư là Tổ hợp dịch vụ khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, Sân bay Lộc Phát, Sân golf Lộc Phát – Lộc Thắng và Khu tổ hợp dịch vụ – du lịch sinh thái, sân golf, cáp treo núi Sa Pung. Đây là những dự án “triệu đô” mà thành phố Bảo Lộc mong muốn thu hút đầu tư để hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao.

Bảo Lộc hướng đến phát triển Du lịch chất lượng cao
Thác DamBri Bảo Lộc

“Đặc sản” khí hậu

Bảo Lộc nằm trên Cao nguyên Di Linh được hưởng khí hậu ôn đới khác hẳn so với các thành phố khác trong cả nước, đặc biệt là các thành phố khu vực phía Nam. Dù ở gần Thành phố Hồ Chí Minh hay các thành phố duyên hải như Phan Thiết, nhưng Bảo Lộc lại hoàn toàn khác biệt về khí hậu, cảnh quan và sinh thái thực vật. Khí hậu ôn đới được xem là “đặc sản” của Bảo Lộc, mang đến sự dễ chịu cho những ai muốn tránh xa cái nóng, tận hưởng không khí mát mẻ.

Trong bài phát biểu “Chia sẻ bài học kinh nghiệm quốc tế về thiết kế xây dựng đô thị cao nguyên…”, bà Mathilde Pereault – Chuyên gia của Công ty TNHH AREP Việt Nam cho rằng: Xung quanh Bảo Lộc là vùng lãnh thổ rộng lớn được bao phủ bởi rừng.

Chính đặc điểm này đã khiến cho Lâm Đồng nói chung và Bảo Lộc nói riêng trở thành một trong những vùng đa dạng sinh học trọng yếu, phong phú nhất và là hành lang đa dạng sinh học của cả nước đã được xác định trong “Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là môi trường tích cực cho cộng đồng dân cư cũng như phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Triệu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc khẳng định: “Khí hậu, thời tiết là “đặc sản” và là nguồn tài nguyên vô giá cần được phát huy để trở thành lợi thế cho cộng đồng cũng như cho việc phát triển kinh tế du lịch.

Bảo Lộc hiện đang hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận là đô thị loại 2 trước năm 2025. Mục tiêu cuối cùng là hướng đến đô thị xanh, đô thị môi trường xứng tầm quốc tế. Muốn đạt được mục tiêu này thì phải tập trung đầu tư, phát triển du lịch trên căn cứ của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt”.

Mô hình Farmstay tại Dambri Bảo Lộc
Mô hình Farmstay tại Dambri Bảo Lộc

Căn cứ vào Quyết định 1848 của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2018 về phê duyệt xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Bảo Lộc là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng, trung tâm dịch vụ – thương mại hỗn hợp, trung tâm văn hóa thể thao cấp quốc gia, trung tâm nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao, trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng và quốc gia, trung tâm y tế và giáo dục – đào tạo cấp vùng; trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cấp vùng và quốc gia… “Trên cơ sở này, thành phố đã xác định và đưa vào Nghị quyết một số dự án lớn.

Trong đó, việc dự kiến khôi phục lại Sân bay Lộc Phát với diện tích 100 ha vẫn còn nguyên trạng để hình thành sân bay cấp 3C, đường cất hạ cánh 1.820 m x 30 m, sẽ tạo cơ hội cho thành phố Bảo Lộc kết nối giao thương kinh tế, phát triển du lịch.

Ngoài ra, thành phố cũng đang tập trung thu hút đầu tư Tổ hợp dịch vụ khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với diện tích hơn 10.000 m2 ngay tại trung tâm thành phố, Sân golf Lộc Phát – Lộc Thắng với diện tích 200 ha hình thành theo tiêu chuẩn quốc tế và Khu tổ hợp dịch vụ – du lịch sinh thái, sân golf, cáp treo núi Sa Pung với diện tích 300 ha” – ông Triệu cho biết thêm.

bảo lộc hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 16/11/2016 về Phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Trong những năm qua, ngành du lịch thành phố Bảo Lộc đã có những bước phát triển khá tốt. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ. Nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới được đưa vào kinh doanh, khai thác, chất lượng dịch vụ được nâng lên, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.

Lượng khách du lịch tăng đều qua các năm, đặc biệt trong những năm thành phố tổ chức các sự kiện như Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt. Số lượt khách hàng năm tăng 6,5 – 7% so với năm trước; trong đó, khách quốc tế chiếm 0,6%, thời gian lưu trú bình quân 1,39 ngày/khách.

Cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn thành phố có 117 cơ sở lưu trú du lịch với 1 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao và 18 khách sạn 1 sao, 20 khách sạn đạt chuẩn, 12 nhà nghỉ du lịch.

Các doanh nghiệp lưu trú du lịch thời gian qua đã tích cực chủ động trong việc đón tiếp và phục vụ khách, tạo được ấn tượng tốt với khách du lịch. Nguồn nhân lực du lịch phát triển về số lượng và ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ đem lại sự hài lòng cho du khách. Đến nay, đã thu hút được hơn 700 lao động trực tiếp hoạt động tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, trong đó có trên 50% lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Du lịch Bảo Lộc
Khu Du Lịch Đôi Dép đang hoàn thiện

Thành phố Bảo Lộc là địa bàn có nhiều tiềm năng để có thể phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Bên cạnh những sản phẩm du lịch trùng lắp với các thành phố và huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong những năm gần đây, với định hướng đầu tư và nâng cấp các khu điểm du lịch hiện có, mở rộng dịch vụ để thu hút khách du lịch, Khu Du lịch Đam B’ri đã nâng cấp, phát triển thêm một số loại hình giải trí phục vụ du khách.

Công ty Tâm Châu tiếp tục đầu tư các hạng mục theo tiêu chuẩn mô hình du lịch canh nông đạt chuẩn. Ngoài ra, điểm du lịch Đôi Dép tại xã Lộc Nga cũng đã hoàn thiện các hạng mục và đi vào hoạt động phục vụ du khách với các dịch vụ tham quan, tắm bùn, chăm sóc sức khỏe…

Bên cạnh đó, thành phố phối hợp với Học viện Chính trị khu vực 2 Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng mô hình du lịch canh nông kết hợp với trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mạ tại thành phố Bảo Lộc nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân và tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách.

Thành phố cũng đã làm việc với các công ty lữ hành trên địa bàn thành phố để thiết lập các tour, tuyến du lịch tham quan, du lịch làng nghề kết hợp quảng bá về ngành nghề trà, tơ lụa gắn kết việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với hoạt động phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.

Hình thành các tour cho du khách tham quan cánh đồng trà chất lượng cao, trình diễn nghệ thuật thu hái chế biến trà, tham quan các dây chuyền sản xuất trà, cà phê, nghề trồng dâu nuôi tằm, tranh bướm; qua đó đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch canh nông… là những sản phẩm ưu thế ở địa phương gắn với các chương trình du lịch dã ngoại.

Theo: Baolamdong.vn

5/5 - (4 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *